main billboard

Học sinh tiểu học thuộc gia đình định cư ở vùng Dakao, Tân Ðịnh được tập trung đến học nhờ tại trường Tiểu Học Dakao vào khoảng thời gian trống của trường là từ 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều nên có danh xưng là trường Tiểu Học Dakao Di Chuyển, cũng có đủ các lớp từ Ðồng Ấu đến lớp Nhất.


WESTMINSTER, California (NV) - Một buổi hội ngộ kỷ niệm 60 năm của “Gia Ðình Tiểu Học Dakao Di Chuyển” vừa diễn ra tại nhà hàng Grand Garden, Westminster, hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Chín.

Hơn 200 cựu nam nữ học sinh của trường có mặt cùng một vị thầy duy nhất còn đến tham dự được, cô giáo Hoàng Châu An.

tieuhoc dakao 1Học trò cũ vây quanh cô giáo An ngày xưa của mình. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Buổi hội ngộ diễn ra trong một không khí thật thân yêu, cảm động vì tình cảm tha thiết với nhau ngay từ những phút ghi danh vào tiệc.

Không khí thân yêu cảm động ấy càng thể hiện rõ nét khi Bác Sĩ Vũ Quốc Phong, trưởng ban tổ chức, nhắc nhở từng phút về lộ trình của vị thầy độc nhất còn đến được với anh chị em.

“Bây giờ cô đang ở ngã tư Brookhurst và Bolsa, đường kẹt xe nên cô sẽ có mặt trong vài phút nữa, xin các anh chị cố gắng chờ chúng ta sẽ khai mạc khi cô tới.”

Lời nhắc nhở của trưởng ban tổ chức khiến cho nhiều người nôn nao nên khi cô giáo An được con cháu đưa vừa tới cửa nhà hàng thì tất cả nam nữ cựu học sinh Tiểu Học Dakao Di Chuyển đã ùa cả tới thăm đón người thầy từng giáo dục cho mình những bài học đầu đời.

Cô giáo An, người mảnh khảnh, tóc đã muối nhiều hơn tiêu, lọt trong những vòng tay thân ái của học trò cũ đã hết sức xúc động, chỉ còn biết vỗ vai người này, xoa đầu người kia mãi lâu sau cô mới nói được đôi câu trong niềm xúc động: “Trong con mắt cô bây giờ, các anh các chị vẫn còn là những cô bé, những cậu bé mà cô vẫn còn là cô giáo mới ngoài hai mươi.”

Mọi người đều thật vui, cả một dĩ vãng ấu thơ chợt tràn về trong tâm tưởng.

Trưởng ban tổ chức mở đầu qua một bài diễn văn ngắn nhắc về trường Tiểu Học Dakao Di Chuyển. Ông cho biết đây là một trường công lập đã có từ trước. Năm 1954, đất nước bị chia đôi, gần 1 triệu người dân miền Bắc đã lìa bỏ quê hương di cư vào Nam để được sống trong vùng quốc gia trong đó có rất nhiều trường tiểu học và trung học. Vì cấp thời nên học sinh các trường này phải học nhờ tại các trường đã có ở trong Nam. Học sinh tiểu học thuộc gia đình định cư ở vùng Dakao, Tân Ðịnh được tập trung đến học nhờ tại trường Tiểu Học Dakao vào khoảng thời gian trống của trường là từ 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều nên có danh xưng là trường Tiểu Học Dakao Di Chuyển, cũng có đủ các lớp từ Ðồng Ấu đến lớp Nhất.

tieuhoc dakao 2
Bác Sĩ Vũ Quốc Phong giới thiệu lịch sử của trường. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Bác Sĩ Phong cũng cho biết trường chỉ hiện hữu có sáu năm từ 1954 đến 1960. Khi chính phủ VNCH ổn định được tình hình, chương trình giáo dục được mở rộng thì học sinh của trường được thu nhận vào các trường khác. Nữ thì về trường tiểu học Ðinh Tiên Hoàng, nam thì về tiểu học Trần Văn Ơn, sau đổi tên là tiểu học Lê Văn Duyệt.

Chính vì được thành lập trong một bối cảnh đặc biệt của lịch sử nên thầy trò tiểu học di cư đã hằn in nhiều dấu tích, nhiều kỷ niệm. Học trò thì không quên được cảnh học nhờ, lúc nào cũng được thầy cô nhắc nhở đến vệ sinh, kỷ luật, lễ nghĩa. Thầy cô thì nhớ mãi những hình ảnh các học sinh di cư, tất cả đều ngơ ngác, rụt rè. Cô An còn nhớ đến những em lạc gia đình phải tạm cư ở các trại tị nạn Phú Thọ được đưa đến học, thiếu thốn đủ thứ từ áo quần đến những dụng cụ học sinh, nhưng lại là những học sinh chăm chỉ và ngoan ngoãn.

Chính những tình cảm ấy đã gắn bó với nhau, gắn bó giữa các học sinh và gắn bó giữa thầy cô và học trò để 60 năm qua rồi vẫn còn nhớ đến nhau để hàng năm phải tìm đến nhau trong hai lần hè và Tất Niên hay Tân Niên.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cựu sĩ quan Nha Kỹ Thuật, niên trưởng Gia Ðình Tiểu Học Dakao Di Chuyển, cho biết: “Chúng tôi lên lạc được với nhau khoảng trên 500 anh chị em. Mỗi lần hội ngộ thường có ít nhất cũng trên 200 người. Ða số anh chị em khi lên trung học thường được vào học tại các trường lớn như Chu Văn An, Trưng Vương, Gia Long, Võ Trường Toản. Nhiều người theo được hết đại học ra trường bác sĩ, luật sư hay gia nhập quân đội, giữ những trọng trách trong QLVNCH. Chúng tôi là những học sinh di cư, mới có chút hiểu biết đã phải đối diện với cảnh chia ly của đất nước. Chuyện ấy nó rất ảnh hưởng đến tâm tình của chúng tôi nên đã in hằn trong tâm trí để phát sinh ra những tình cảm thương yêu nhau mà có lẽ ít có cựu học sinh tiểu học nào khác có được sự tha thiết về trường cũ thầy bạn xưa như chúng tôi.”

Quả vậy, trong những sinh hoạt “trường cũ, thầy bạn xưa,” rất hiếm có tổ chức nào là thuộc các cựu học sinh tiểu học như “Gia Ðình Tiểu Học Dakao Di Chuyển,” mà thường là của các cựu học sinh trung học. Ðây là một nét độc đáo của Gia Ðình Tiểu Học Dakao Di Chuyển mà Bác Sĩ Vũ Quốc Phong luôn lấy làm kiêu hãnh cho tổ chức của mình trong sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Nam California.