main billboard

“Rất đơn giản, chỉ cần cầm lon nước cốt đó lên, nếu thấy có nhãn hiệu “Inspected” của USDA (United State Department of Agriculture – Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ) thì sản phẩm đó được nấu từ thịt gà, bò, hay heo. Còn nếu không có thì là người ta dùng hương liệu. Đó là qui định của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ,”


Công ty Tây Hồ bước sang năm thứ 30

SANTA ANA, California (NV) – Chỉ vào một thùng lớn chứa không biết bao nhiêu là “gà đi bộ” còn nghi ngút khói nằm trong xưởng sản xuất của USA Canning Food Co., ông Nguyễn Dũng Chinh, giám đốc công ty Thực Phẩm Tây Hồ, mà mọi người thường quen gọi là “Dũng,” cho biết, “Gà này được dùng để nấu sản xuất ra nước cốt gà New Choice đang được rất nhiều bà nội trợ ưa dùng. Không chỉ có nước cốt gà mà cả nước cốt phở bò cũng đều được hầm từ xương bò hay nước cốt chay thì được hầm từ rau củ tươi. Chúng tôi không dùng hương liệu để chế biến.”

Làm sao để phân biệt được nước cốt gà hay bò bán ngoài chợ được nấu từ gà, từ xương chứ không phải chỉ có hương liệu?

“Rất đơn giản, chỉ cần cầm lon nước cốt đó lên, nếu thấy có nhãn hiệu “Inspected” của USDA (United State Department of Agriculture – Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ) thì sản phẩm đó được nấu từ thịt gà, bò, hay heo. Còn nếu không có thì là người ta dùng hương liệu. Đó là qui định của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ,” ông Dũng giải thích.

tayho 1Ông Nguyễn Dũng Chinh, giám đốc Công ty Thực phẩm Tây Hồ, và một số sản phẩm đồ hộp nhãn hiệu New Choice. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Ra là vậy. Dường như nhiều người không biết điều này.

“Phải bảo đảm được sức khỏe người tiêu dùng là phương châm hàng đầu trong việc sản xuất của chúng tôi. Hơn nữa, người khách đầu tiên nếm thử sản phẩm của mình bao giờ cũng là gia đình, là con cái mình. Thế nên nếu sản phẩm không ngon hay độc hại thì người trong gia đình mình, con mình sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên.”

Suy nghĩ trên của ông Dũng chi phối toàn bộ đường hướng kinh doanh của công ty thực phẩm Tây Hồ từ lúc phôi thai cho đến ngày nay. Cũng chính từ cái tâm kinh doanh chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng đó mà Tây Hồ đã bền bỉ đồng hành cùng cộng đồng người Việt hải ngoại suốt 30 năm qua.


Khởi nghiệp của một gia đình thuyền nhân


Vượt biên đến Mỹ và định cư ở Illinois vào cuối năm 1980, trong khi ông Nguyễn Minh Chiêu, thân phụ của ông Dũng, vừa đến trường vừa kiếm thêm những công việc làm tại các nhà hàng “fast food” của Mỹ thì mẹ ông cũng bôn ba đi phụ việc ở những nhà hàng Mỹ quanh vùng.

Tuy nhiên, “không chịu được cái lạnh của miền Bắc,” năm 1982 gia đình ông dọn sang tiểu bang Louisiana trốn tuyết. “Đi trốn bão tuyết Illinois nhưng sang Louisiana lại gặp bão mưa.” Người đang điều hành công ty Tây Hồ cười nhớ lại.

Tại đây, vợ chồng ông Chiêu làm công việc “mua đi bán lại”: “Ba má tôi đi xuống một số tỉnh mua tôm, cua, bún, hủ tíu, mì gói, đủ thứ hết, rồi mang về bán lẻ cho hàng xóm láng giềng, giống như một chợ nhỏ trong garage,” ông Dũng kể.

Đến năm 1983, sau khi sang thăm người bạn ở California, cảm thấy khí hậu nơi đây quá lý tưởng, gia đình ông Dũng lại một lần nữa di chuyển về miền Tây nắng ấm.

Trong khi ông và các em mình đi học thì ông bà Chiêu chọn cho mình một hình thức kinh doanh mới: “Đi Monterey Bay mua cá về bán.”

Ông Dũng nhớ lại, “Thời đó khá vất vả. Từ tối là ba má tôi đã lái xe đi, đến Monterey lúc 4-5 giờ sáng, chờ tàu cập bến thì mua cá rồi mang về bỏ lại cho các chợ ở đây, kể cả Đông Lợi.”

Tuy vậy, thời gian đó kéo dài không lâu. Bà Chiêu mở quán phở Thăng Long, cạnh nhà hàng Favori, góc đường First và Jackson, Santa Ana.

Nhưng may mắn đến với gia đình ông Dũng khi ông bà Nguyễn Minh Chiêu cùng một người quen chuyên về bánh cuốn mở tiệm bánh cuốn Tây Hồ vào năm 1984 thay cho tiệm phở, để từ đó đến nay, 30 năm, dù đã đổi địa điểm bao lần nhưng bánh cuốn Tây Hồ đã thành một thương hiệu để thực khách luôn tìm đến mỗi khi có dịp đến Little Saigon.


Từ tiệm bánh cuốn đến công ty thực phẩm Tây Hồ


Ông Dũng cho biết, “Tiệm bánh cuốn mở ra được rất nhiều người ưu ái ghé đến. Bánh cuốn thì làm ngay tại tiệm, tuy nhiên nhu cầu về chả lụa để cung cấp cho tiệm là điều rất cần phải nghĩ đến.”

Thế là cha mẹ ông lại cùng người bạn mở một xưởng nhỏ ở thành phố Garden Grove với diện tích khoảng 1,700 sqft, chuyên sản xuất chả lụa mang tên Minh Hương để cung cấp cho hệ thống tiệm bánh cuốn Tây Hồ, đồng thời đưa ra các chợ chào bán.

“Thành công với chả lụa, ba má tôi làm thêm bò viên, rồi khi thấy thị trường có nhu cầu về da bì để làm nem chua, làm bì cho các tiệm cơm thì lại ‘đẻ ra’ thêm món da bì,” người giám đốc chưa đến tuổi 45 kể về chặng đường đã qua của công ty do gia đình ông làm chủ.

Đến năm 1988, Minh Hương chính thức đổi tên thành Tây Hồ, cho đến hôm nay.

“Thời gian này, tôi vừa học Cal State Long Beach vừa giúp ba tôi các luật lệ về thực phẩm. Thực ra ngành tôi đi lúc đầu là ngành kỹ sư công chánh, tôi thích nghề đó. Nhưng rồi chắc có điều gì 'xua đuổi,' đưa mình đi theo 'con tàu' này rồi cuốn mình theo đó luôn,” ông Dũng kể.

Cũng do học về công chánh và xây dựng nên “ tất cả các hãng xưởng xây dựng sau này đều do tôi thực hiện vì mình hiểu những yêu cầu của Bộ Nông Nghiệp (USDA),” ông Dũng chia sẻ.

Từ năm 1996, Tây Hồ dời về Santa Ana, mở rộng diện tích sản xuất, từ 3,400 sqft bây giờ đã thành 13,000 sqft chia ra thành nhiều khu vực khác nhau, nơi làm giò chả, nơi làm bò viên, nơi làm da bì… Sản phẩm của Tây Hồ không chỉ giới hạn ở chả lụa, bò viên nữa, mà có thêm giò sống, chả bì, giò thủ, bì tươi, dồi xả chiên… mang tên Tây Hồ đã trở nên quen thuộc với đồng hương Việt Nam khắp các tiểu bang.

Một điều khá thú vị của công ty thực phẩm Tây Hồ có lẽ là sự đầu tư thêm một ngôi chợ để có nơi giới thiệu sản phẩm của chính công ty mình.

Ông Dũng cho biết, “Một điều khó khăn trong kinh doanh là mình khó giới thiệu được mặt hàng của mình đến với người tiêu dùng, bởi vì bất kỳ chợ nào khi lấy hàng của mình cũng hỏi: ‘Hàng này bán ở đâu chưa?’ Bởi vì tâm lý họ không muốn mạo hiểm nhận hàng vô mà bán không chạy, dù mình thuyết phục bằng nhiều cách.”

Đây là lý do chính để năm 2004 công ty thực phẩm Tây Hồ quyết định mở thêm chợ Saigon City Marketplace ở góc đường Brookhurst và Mc Fadden, Westminster, với ước mong giới thiệu được hết các mặt hàng của mình đến thẳng với người tiêu dùng.

tayho 2Nước cốt gà, bò nhãn hiệu New Choice có dấu “Inspected” của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận sản xuất từ thịt gà, bò chứ không dùng hương liệu. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nhà máy đóng đồ hộp USA Canning Food, một bước tiến mới của Tây Hồ


Chất phiêu lưu, thích tìm tòi những điều mới lạ là tố chất hàng đầu đi đến sự thành công của các doanh nghiệp. Tây Hồ cũng vậy.

Theo lời ông Dũng, sau những thành công của các mặt hàng giò chả, bò viên, công ty Tây Hồ bắt đầu suy nghĩ thêm về mặt hàng mì gói Fu Chang.

“Tại sao không kèm theo một gói thịt bên cạnh gói bột nêm trong tô mì gói để có thêm chất protein cho người tiêu dùng?”

Ý tưởng ngỡ như đơn giản đó lại kéo theo cả một sự nghiên cứu tìm tòi phương thức, kỹ thuật thực hiện. Từ việc phải dùng loại giấy nhôm nào để gói thịt, đến việc đưa vào hấp, sấy, tẩy trùng đến nhiệt độ nào thì có thể bảo quản được và hơn hết là làm sao để được Bộ Nông Nghiệp Thực Phẩm Hoa Kỳ công nhận.

Cũng từ đây, nhà máy đóng đồ hộp USA Canning Food Inc. của Tây Hồ ra đời đặt tại thành phố Ontario, thuộc San Bernardino County, vào năm 2006.

Từ sản phẩm thịt heo đi chung với mì gói, công ty có thêm thịt bò, thịt gà đi kèm với gói phở bò, phở gà, cả hủ tíu thịt bầm gói.

Không dừng lại ở đó, công ty lại bước vào nghiên cứu các sản phẩm nước súp, nước lèo, với thương hiệu New Choice.

Nước cốt gà, nước cốt phở bò với nhãn hiệu New Choice được đóng thêm dấu “Inspected” của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ là một “bảo chứng” quan trọng khiến người tiêu dùng mạnh dạn trong việc mang những “đồ hộp” này về chế biến bữa ăn của mình một cách mau lẹ, nhanh chóng mà không cần đắn đo, ngần ngại.

Như đề cập ở trên, chỉ có nhà máy nào sản xuất các mặt hàng có chất thịt trong đó thì sẽ trực thuộc sự kiểm tra của USDA. “Có cả một văn phòng của USDA đặt ngay nhà máy của mình để họ kiểm tra hàng ngày công việc chế biến sản xuất,” ông Dũng vừa chỉ tay vào một căn phòng nằm trong khuôn viên nhà máy vừa giải thích.

“Cầm lon nước cốt gà hay bò, heo lên mà thấy có dấu “Inspected” thì người tiêu dùng biết chắc là hàng này được làm từ thịt gà, bò hay heo. Nếu không có thì nhà sản xuất chỉ dùng toàn hương liệu mà thôi.”

Năm 2012, do nhu cầu sản xuất 60-70 lon/phút không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng New Choice trên thị trường, thế là hãng USA Canning Food Inc. từ Ontario chính thức dời về Santa Ana, với trang bị máy móc hiện đại hơn, nâng công suất lên 300 lon/phút.

tayho 3Dây chuyền đóng hộp nhãn hiệu New Choice tại nhà máy của USA Canning Food Co. ở Santa Ana. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Bí quyết thành công của Tây Hồ


Giám đốc Tây Hồ nói không chút đắn đo, “Khi làm việc, mình lấy tâm ra làm điều kiện hàng đầu. Bất kỳ sản phẩm nào làm ra, điều suy nghĩ đầu tiên của tôi là tôi có đưa sản phẩm này cho gia đình mình ăn không. Nếu trả lời ‘có’ thì tôi làm, còn nếu câu trả lời là’ không’ thì tôi không làm.”

Nếu các sản phẩm nước cốt gà, bò New Choice dùng từ gà nguyên con hay xương bò để hầm, hoặc nước cốt chay dùng rau rủ tươi để nấu thì giò chả, bò viên Tây Hồ không dùng hóa chất để làm tăng độ dai, độ giòn.

“Để có được dộ dai và giòn cho giò chả, bò viên thì quan trọng là thịt phải tươi và giữ nhiệt độ cho đúng. Không cần đến hóa chất,” ông Dũng chia sẻ bí quyết.

Chia sẻ cảm nghĩ của mình về sự cạnh tranh trên thương trường, ông Dũng cho rằng, “Cạnh tranh trên thương trường bao giờ cũng có. Với Tây Hồ, sự cạnh tranh nằm ở chất lượng sản phẩm. Phẩm chất của sản phẩm, chất lượng của sản phẩm mang thương hiệu New Choice hay Tây Hồ sẽ bảo đảm cho việc mình chiến thắng trên bất kỳ thương trường nào.”

“Bằng cách này cách khác, người ta có thể thắng trên đoạn đường ngắn. Nhưng trên đường dài, Tây Hồ sẽ chiến thắng tất cả khi mình lấy cái tâm mình ra làm mục tiêu kinh doanh,” ông Dũng nói một cách tin tưởng.