main billboard

Quá ê chề sống dưới chính quyền Cộng Sản nên người dân Thuận Bài nói riêng và Quảng Bình nói chung phần lớn đã bỏ làng xóm mà di cư vào Nam,


SANTA ANA, California (NV) - Trưa Chủ Nhật, 31 Tháng Tám, hơn 100 đồng hương Thuận Bài, Quảng Bình, đã có cuộc họp mặt hàng năm tại nhà hàng Emerald Bay, Santa Ana. Lần họp mặt này cũng là để kỷ niệm 12 năm Hội Ái Hữu Thuận Bài, Quảng Bình, kỷ niệm 12 năm thành lập.

Trong diễn văn chào mừng buổi họp mặt này, ông Thường Trần, trưởng Ban Ðiều Hành hội, cho biết: “Sự hiện diện của bà con Thuận Bài, Quảng Bình, năm nay, ngoài bà con Nam California và vùng phụ cận, còn có sự tham dự của bà con từ những nơi xa về như Las Vegas, San Jose, San Diego... Ðiều đó nói lên cái tình thắm thiết của người Thuận Bài luôn luôn nhớ đến nhau, đoàn kết tương thân tương trợ nhau cho dù có xa mặt nhưng không cách lòng.”

donghuong thuanbaiÐồng hương Thuận Bài chụp chung hình kỷ niệm 12 năm thành lập hội. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Tiếp đó nhiều ý kiến xây dựng của ban cố vấn đã được nêu ra cho Ban Ðiều Hành hoạt động được hiệu quả hơn. Buổi hội ngộ cũng được đồng hương và hội viên nêu ra nhiều ý kiến trong việc xây dựng hội.

Ông Thường Trần cho biết: “Ðược thành lập từ năm 2002, hội lúc đầu chỉ có vài chục đồng hương Thuận Bài và thân hữu, phần nhiều đã đứng tuổi. Khi ấy chúng tôi đều có chung một tâm trạng lưu vong, mong mỏi được gặp gỡ lại nhau để xem ai may mắn đến được phần đất tị nạn, ai còn phải kẹt lại, ai phải vào tù Cộng Sản và tính xem có thể làm được gì cho những đồng hương kém may mắn. Dần dần sau đó số người đến với nhau đông hơn và điều đặc biệt là thành phần trẻ đến với Thuận Bài mỗi ngày một đông hơn.”

“Cho đến nay, phải nói là chúng tôi rất kiêu hãnh khi Thuận Bài có được một ban điều hành mà 2/3 là giới trẻ. Ban Ðiều Hành chúng tôi có bảy người là Michael Trần, Mai Văn Bi, Mai Dũng, cố Trinh, cô Lý Thanh, cô Thanh Xuân và tôi. Tất cả chúng tôi cũng như hơn 100 đồng hương Thuận Bài đến với hội đều một lòng nhiệt thành, chỉ nhìn vào lợi ích chung của hội, của tập thể đồng hương Thuận Bài mà chưa hề có phân hóa, tranh chấp,” ông nói tiếp.

Cô Trinh Trần, một bạn trẻ trong Ban Ðiều Hành, nói: “Cháu đến với hội từ lâu nhưng khoảng hai năm trở lại đây, cháu được các cô chú trong hội bầu vào Ban Ðiều Hành. Ðây cũng là niềm vinh dự cho cháu và gia đình cháu vì có dịp được đóng góp vào việc thân ái, đoàn kết trong bà con của quê hương Thuận Bài.”

Cô Trinh Trần cũng cho biết đã có dịp về thăm quê một hai lần để biết vì song thân của cô cũng chỉ là gốc Thuận Bài mà không sinh sống ở Thuận Bài như đa phần đồng hương Thuận Bài trong hội. Cô cho biết cảm tưởng của cô trong lần đầu tiên là thấy xa lạ vì cô không có một kỷ niệm gì.

Nhưng cô nói: “Tự trong thâm tâm cháu, cháu bỗng có một cảm xúc thương mến khi nhìn làng xóm mộc mạc, thiếu tiện nghi và người dân thì lam lũ mặc dù như bà con trong họ nói đó là đã thay đổi nhiều chứ còn trước đây thì điêu tàn lắm.”

Thăm hỏi một số các cụ cao niên trong buổi hội ngộ này thì hầu hết đều “không sống ở Thuận Bài vì từ năm 1945, chiến tranh chống Pháp, Quảng Bình đã là nơi Tiêu Thổ Kháng Chiến của chính quyền Việt Minh. Rồi năm 1954, đất nước bị chia đôi theo Hiệp Ðịnh Geneva, Thuận Bài, Quảng Bình nằm trong phần đất được trao cho Cộng Sản. Quá ê chề sống dưới chính quyền Cộng Sản nên người dân Thuận Bài nói riêng và Quảng Bình nói chung phần lớn đã bỏ làng xóm mà di cư vào Nam, tản lạc làm ăn tứ xứ rồi sau 1975 cũng hầu hết đã vượt biên nay định cư ở nhiều nơi trên thế giới tự do,” như lời một vị cao niên cho biết.

Một cao niên khác, ông Trần Hữu Thu, cựu trung tá hạm trưởng Hải Quân VNCH, cho biết: “Gốc gác là ở Thuận Bài nhưng gia đình chúng tôi đã di cư vào Nam và lập nghiệp ở đó. Làng chúng tôi ở trên Quốc Lộ 1, hết thẩy làm nghề ruộng, rất cơ cực vất vả vì là miền đất 'cày lên sỏi đá' như nhạc sĩ Phạm Duy mô tả nhưng chính vì thế mà quê hương Quảng Bình đã tạo sinh được nhiều nhân tài. Cựu Ðại Tá Ðỗ Mậu, cựu dân biểu Mã Thất, thi sĩ Lưu Trọng Lư là người làng tôi. Cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm của VNCH, cố Ðại Tướng Võ Nguyên Giáp của cộng sản là người Quảng Bình. Một người dân làng tôi vào Nam làm nhà máy đèn là công nhân người Việt đầu tiên từ 1945, đã về quê giúp cho Thuận Bài có điện sớm nhất trong vùng. Một người khác là giám đốc một ngân hàng tín dụng ở Sài Gòn trước năm 1975. Nay thì lớp con em Thuận Bài ở hải ngoại cũng khá thành công trong ngành địa ốc hoặc là nha sĩ, bác sĩ rất nhiều.”

Nhắc đến Thuận Bài là nhắc đến một điểm nổi lên rõ nhất là tuy chỉ có gốc gác ở Thuận Bài, nhưng những đồng hương Thuận Bài đều có chung một lòng là hướng về quê hương gốc gác của mình. Những biến cố đau thương liên tục đổ lên đất nước trong giai đoạn lịch sử vừa qua, Quảng Bình của Thuận Bài luôn phải đứng mũi chịu sào khiến bà con phải bồng bế nhau tản lạc đi bốn phương. Nhưng có lẽ vì thế mà tình đồng hương của Thuận Bài đã không chỉ được nuôi dưỡng thường xuyên mà còn được vun bồi từ các thế hệ kế tiếp.

Quí độc giả cần liên lạc với Thuận Bài, xin gọi (714) 775-5661.