main billboard

Các chính phủ của hai nền Ðệ I và Ðệ II Cộng Hòa trước năm 1975 rất lưu tâm về nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi để nâng cao mức sống cho người dân.


WESTMINSTER (NV) -Sáng 23 tháng 3, thân hữu Nông-Lâm-Súc Cần Thơ có cuộc họp mặt lần thứ 6 tại tư gia một thân hữu là ông Phạm Hữu Hạnh trên đường Anabel trong thành phố Garden Grove.

nonglamsuc 1Chung nhau một tấm hình để nhớ lại Nông Lâm Súc Cần Thơ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Buổi họp mặt diễn ra trong vòng thân mật với sự có mặt của một số cựu học viên trường Nông Lâm Súc Cần Thơ từng theo học tại trường cả trước và sau năm 1975.

Một vị cựu giáo sư của trường là Giáo Sư Nguyễn Thượng Hạng cư ngụ ở Washington State, nhân dịp về thăm Little Saigon biết tin cũng đã đến chung vui cùng những học trò cũ.

Trong số người tham dự cũng có ông Nguyễn Ðăng Sửu, một gương mặt quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng của người Việt ở Nam California.

Chủ nhân nơi họp mặt, ông Phạm hữu Hạnh, vui vẻ cho biết, “Anh em cựu học sinh Nông Lâm Súc Cần Thơ chúng tôi đã được gặp gỡ nhau đến lần thứ 6. Năm nào cứ đến cuối hè là chúng tôi lại tổ chức họp mặt một lần, một là để thăm hỏi nhau hàn huyên tâm sự nhớ lại những ngày xanh với bạn cũ trường xưa, hai là để biết thêm ai còn ai mất và tương trợ nhau.”

Một bàn tiệc dài bày trong sân nhà ông Hạnh như một bữa cơm gia đình đông con cái từ khắp nơi tụ về. Giáo Sư Nguyễn Thượng Hạng kể với chúng tôi, “Cái không khí này có từ ngày còn ở trong trường lớp ngày xưa. Thầy trò coi nhau như anh em trong một nhà bởi có cái chung một lý tưởng là mong sao cho người nông dân Việt cải thiện được đời sống tốt đẹp hơn trên những mảnh đất màu mỡ mà chưa khai thác được hết. Không chỉ những anh em đang còn trên ghế nhà trường, mà cả những anh em ra trường rồi, đã là những công chức Kiểm Sự rồi, lúc nào tình thầy trò chúng tôi cũng giữ được vẹn toàn.”

Giáo Sư Hạng cũng kể cho biết ông được bổ làm giáo sư Nông Lâm Súc tứ năm 1969, lúc đầu dạy ở trường Nông Lâm Súc Bình Dương đến năm 1970 thì được chuyển về Nông Lâm Súc Cần Thơ. Sau biến cố 1975, Nông Lâm Súc Cần Thơ may mắn vẫn còn được giữ lại và ông còn được cho dạy tới năm 1978 thì qua Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình.

Theo ông Nguyễn Ðăng Sửu, học viên của Nông Lâm Súc từ ngày ngành này mới được thành lập vào năm 1957, khi ấy còn gọi là trường Nông Lâm Ngư Mục, thì hầu như tỉnh nào tại miền Nam cũng đều có các trường Nông Lâm Súc. Trường có hai cấp, một cấp học ngắn hạn, ra trường làm công chức ngạch Kiểm Sự, chỉ cần có bằng trung học là được thi vào. Một ngành cao hơn, phải có bằng Tú Tài II sau một kỳ thi tuyển học tiếp 4 năm nữa mới ra trường với ngạch kỹ sư. Miền nam khi ấy có 3 trường Nông Lâm Súc tại Huế, Saigon sau dời lên Bảo Lộc và Cần Thơ. Ðây là những trường đào tạo các kỹ sư Nông Lâm Súc cho nền kinh tế VNCH.

Các chính phủ của hai nền Ðệ I và Ðệ II Cộng Hòa trước năm 1975 rất lưu tâm về nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi để nâng cao mức sống cho người dân. Sau Chiến Tranh Việt-Pháp, tạm thời có đình chiến Bắc Nam, đồng lúa bị hoang hóa rất nhiều trong khi đồng bằng sông Cửu Long vốn là một vựa lúa của Việt Nam, dư cung cấp cho nội địa còn xuất cảng vào hàng nhất nhì Á Châu nữa. Hai chủ trương của Bộ Canh Nông VNCH vào lúc bấy giờ một là tăng diện tích trồng trọt, cải thiện kỹ thuật, cơ giới hóa dần dần cho canh nông để tăng năng suất và hạ giá vốn, hai là để nâng cao mực sống người nông dân chiếm gần 80% dân số.

nonglamsuc 2Giáo Sư Nguyễn Thượng Hạng (ngồi) và cựu học sinh Nông-Lâm-Súc Cần Thơ Phạm Hữu Hạnh. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Các chương trình như Tiểu Thủy Nông, gia tăng sản xuất lúa gạo bằng các giống lúa mới, tái sinh lại các đồn điền cao su, cà phê và các cây công nghệ như mía, thuốc lá và cây có sợi, cây tầm tang (cho ngành dệt), cây ăn trái và hoa màu phụ. Các chương trình chăn nuôi, đại gia súc, mở thêm các trại chăn nuôi, tìm gia súc giống mới, mở thêm kỹ nghệ phó sản... được các chính phủ VNCH đẩy mạnh, tăng tốc độ. Nhu cầu cải cách thì nhiều nhưng nhân sự chuyên môn thì lại rất thiếu nên Nha Học Vụ và Thực Hành thuộc Bộ Canh Nông đã cùng Bộ Giáo Dục ráo riết mở các trường Nông Lâm Súc các cấp để đáp ứng nhu cầu. Ba trường lớn về Nông Lâm Súc đã được thành lập rất sớm từ cuối những năm 50 như trường Quốc Gia Nông Lâm Súc Bảo Lộc thành lập năm 1955, cấp trung đẳng sau mở thêm cao đẳng, ra trường làm kiểm sự, kỹ sư.

Ở Huế có trường Canh Nông Thực Hành thành lập năm 1958 cấp sơ đẳng, ra trường làm huấn sự.

Ở Cần Thơ có trường Canh Nông Thực Hành thành lập năm 1957.

Cả ba trường này tính đến năm 1975, đã đào tạo được hàng trăm kỹ sư, hàng ngàn chuyên viên kiểm sư và huấn sự cho các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi khiến cho bộ mặt kinh tế nông thôn Việt Nam lúc bấy giờ đã thay đổi hẳn. Nhưng tiếc thay chỉ ít năm sau vào cuối năm 1960, Cộng Sản Hà Nội đã phát động công cuộc “chiếu cố miền Nam” biến địa bàn nông thôn miền Nam thành chiến trường khiến nhiều chương trình nông lâm súc của chính phủ miền Nam không thực hiện được và những chuyên viên kỹ sư khi lặn lội cùng người nông dân, thợ rừng hay các nhà chăn nuôi đôi khi cũng phải vừa “tay súng, tay cầy” để bảo vệ cho người dân nông thôn giữ được khoảng vườn mảnh ruộng.

Nhắc lại những kỷ niệm Ngày Xanh ấy, những thân hữu của Nông Lâm Súc Cần Thơ mỗi lần họp mặt là lại bồi hồi thương nhớ lẫn xúc động về đất nước quê hương vẫn chưa ra thoát khỏi cảnh “lần ăn từng bữa” trên những mảnh đất màu mỡ đã bị nạn Tham Nhũng Ðỏ làm cạn khô.

Quý độc giả cần liên lạc với anh em Nông Lâm Súc trước năm 1975, có thể gọi (714) 204-6109 hoặc email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..