main billboard

“Ba khóa chúng tôi được huấn luyện trong cùng thời gian ở quân trường Thủ Ðức, chỉ xê xích nhau 1, 2 tháng. Ðó là thời gian vào cuối năm 1967 bắt sang năm 1968, năm mà Cộng quân phản bội lệnh hưu chiến do chính chúng đề nghị trước, để bất ngờ tấn công vào khắp các tỉnh thị ở miền Nam."


cu an tu nguyWESTMINSTER (NV) - Cùng chung những kỷ niệm chiến tranh từ quân trường, các cựu Sinh Viên Sĩ Quan (SVSQ) Thủ Ðức thuộc 3 khóa 25, 26 và 27 tổ chức hàng năm một cuộc hội ngộ để mừng vui “còn thấy nhau” mà ôn lại những kỷ niệm của thế hệ thanh niên Việt Nam trong thời chiến khi đã “yên bề gia thất” sau biến động lịch sử 1975.

Năm nay, lần thứ 8 cuộc hội ngộ sẽ diễn ra tại nhà hàng Seafood World trên đường Brookhurst thuộc thành phố Westminster từ 10:30 sáng cho đến 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật, 26 Tháng Mười.

Ba cựu SVSQ Nguyễn Văn Thu (khóa 26), Lê Anh Dũng (khóa 26) và Chu Tất Tiến (khóa 25) cũng là sĩ quan huấn luyện của các khóa 26 và 27 đã phối hợp nhau tổ chức được đến 8 lần.

“Lần nào anh em ở xa cũng chịu khó về họp mặt rất đông,” theo lời cựu SVSQ Nguyễn Văn Thu.

Cái chính để cho anh em ba khóa này có mặt trong các cuộc hội ngộ hàng năm, theo lời kể của cả ba người đứng ra tổ chức, là: “Ba khóa chúng tôi được huấn luyện trong cùng thời gian ở quân trường Thủ Ðức, chỉ xê xích nhau 1, 2 tháng. Ðó là thời gian vào cuối năm 1967 bắt sang năm 1968, năm mà Cộng quân phản bội lệnh hưu chiến do chính chúng đề nghị trước, để bất ngờ tấn công vào khắp các tỉnh thị ở miền Nam. Nhưng chúng đã thất bại ê chề, để lại một hận thù lớn cho người dân miền Nam, nhất là người dân Huế, với sự chôn sống 5 ngàn thường dân Huế. Khóa 27 là khóa mới nhập trường được 1 tuần lễ, chưa biết gì đến súng ống chiến trận, đã phải đương đầu với địch khi chúng tấn công quân trường. Trong những chiến hào, những người lính mới tò te đã vừa học bắn vào những bia thật là Việt Cộng đang bị xua vào liều chết qua những hàng rào phòng thủ kiên cố của trường, vừa được thực tập những bài học chiến thuật đầu tiên của những sĩ quan trung đội trưởng. Ấy thế mà họ đã cùng các SVSQ huynh trưởng chặn đứng được địch quân, bảo vệ được ngôi trường mẹ. Những kỷ niệm đầu đời lính ấy vẫn thường được anh em kể lại trong những lần hội ngộ và lần nào cũng được anh em chia sẻ thêm bớt cho được chính xác hơn.”

Cựu SVSQ Chu Tất Tiến và Lê Anh Dũng cho biết thêm: “Từ khóa 25, chương trình huấn luyện các SVSQ Thủ Ðức được đổi mới theo cách huấn luyện của Trung Tâm Fort Benning huấn luyện quân nhân Hoa Kỳ.”

Lê Anh Dũng kể: “Giai đoạn huấn nhục là kinh hoàng nhất. Lúc nào cũng phải chạy. Thể dục sáng sớm, chạy. Giờ cơm, chạy. Di hành ra bãi tập, chạy. Trình diện các SVSQ huynh trưởng, chạy. Lại còn cả cái ba lô quân trang quân dụng nặng trĩu trên lưng. Sức voi nào cho thấu, ấy thế mà không một chàng sinh viên nào ngã lòng để phải ra trung sĩ. Ngược lại tất cả đã trở thành những sĩ quan ưu tú của một quân đội thiện chiến đứng vào hàng thứ 7 thế giới lúc bấy giờ. Cũng chính sự ưu tú ấy đã làm cản trở cho bước cầu hòa với bọn Cộng của ông Ngoại Trưởng Kissinger, nên đã phải bị bóp chết để miền Nam cho Cộng Sản xơi tái ngon lành gây bất ngờ cho dư luận thế giới.”

Chu Tất Tiến bổ túc: “Từ các khóa này, SVSQ được học sử dụng súng cá nhân là M.16 thay súng trường Garant trong các khóa trước. Garant có từ thời Ðệ Ii Thế Chiến, vừa nặng vừa không hợp khổ người lính Việt Nam, còn M.16 vừa nhẹ vừa gọn, lại là loại súng tiểu liên cũng có thể bắn từng phát một. Ðây là sự viện trợ quân sự mới của Hoa Kỳ để người lính VNCH đối đầu với loại súng tiểu liên cá nhân AK của Cộng Sản viện trợ Việt cộng từ nhiều năm trước.”

Nói về nội dung cuộc hội ngộ lần này thì cả ba người đứng tổ chức đều cùng cho biết: “Một chương trình họp mặt trong không khí hoàn toàn tự do. Không có quan khách, không có diễn văn mà chỉ có những câu chuyện của anh em, ai muốn kể gì thì kể, ai muốn nói gì thì nói, tất nhiên trên tinh thần đoàn kết, ý thức của một sĩ quan xuất thân từ quân trường lớn của VNCH sẽ không có một đáng tiếc nào xảy ra như đã thấy trong các cuộc hội ngộ trước.”

Nguyễn Văn Thu cũng cho biết: “Các khóa này qui tụ khá đông tài nguyên nhân lực trí thức miền Nam. Số giáo sư có đến hàng trăm, trong đó có Giáo Sư Võ Thế Hào, Trần Bích Lan (thi sĩ Nguyên Sa), có kỹ sư, cựu Bộ Trưởng Võ Long Triều...”

Nguyễn Văn Thu còn vui vẻ giới thiệu: “Ðừng tưởng lính hát không hay đâu nhé. Hãy cứ đến tham dự thì biết. Chúng tôi cũng xin nhấn mạnh rằng đây không chỉ là cuộc hội ngộ của riêng ba khóa 25, 26 và 27, chúng tôi sẽ giang rất rộng vòng tay mời gọi anh em các khóa khác cùng đến chung vui. Không phải mua vé trước. Các bạn ở xa xin cho biết số lượng người về tham dự để chúng tôi dành một số chỗ ngồi. Ăn uống vui chơi rồi mới trả tiền, chỉ có $25 một người thôi.”

Quân trường Thủ Ðức trong 20 năm của chế độ VNCH đào tạo được hàng chục ngàn sĩ quan ưu tú cho QLVNCH. Kể từ khóa I Nam Ðịnh-Thủ Ðức cho tới các khóa sau cùng vào năm 1974, nhiều người đã giữ những trọng trách lớn trong việc điều hành đất nước cả về quân sự lẫn hành chánh. Họ đã vì an nguy của đất nước, của dân tộc mà không tiếc cả tương lai, mạng sống để gìn giữ cho miền nam được sống trong tự do no ấm. Thế sự đổi thay buộc họ phải tan hàng lánh nạn, nhưng trong lòng ai cũng mong mỏi được góp phần vào việc phục hồi tự do, dân chủ và nhân quyền cho đất nước và dân tộc cho dù phần lớn nay đã cao tuổi.