main billboard

“Ngôn ngữ chuyên chở văn hóa, không có ngôn ngữ, không có trái tim. Gia đình Việt Nam kiên quyết nói tiếng Việt trong gia đình,”


'Gia đình Việt nói tiếng Việt'

LONG BEACH, California (NV) - “Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp Sư Phạm kỳ 26” , do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Miền Nam California, tổ chức dành cho các thầy cô giáo dạy Việt ngữ, vừa được khai giảng lúc 6 giờ 30 chiều Thứ Sáu, 15 Tháng Tám, tại Đại Học Cal State University, Long Beach (CSULB) và khóa học sẽ kéo dài đến hết ngày Chủ Nhật tuần này.

tunghiep supham 1Các khóa sinh chăm chú theo dõi chương trình. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Thật là vui khi thấy số thầy cô tham dự năm nay lên đến gần 250 người, gồm 44 trung tâm, đông hơn kỳ trước. Trong số đó, có người đến lần đầu, có người tham dự nhiều lần, chứng tỏ nhu cầu là cần thiết. Tôi long trọng tuyên bố khóa học kỳ thứ 26 chính thức bắt đầu!” cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, chủ tịch ban điều hành và trưởng ban tổ chức khóa tu nghiệp sư phạm năm nay, tuyên bố trong buổi lễ khai giảng giữa tiếng vỗ tay của mọi người ngồi chật hội trường Peterson Hall của Đại Học CSULB.

Phía trước mặt mọi người là hình ảnh bàn thờ Tổ Quốc. Hai bên là hai lá quốc kỳ Mỹ, Việt. Chủ đề khóa học được ghi trên một biểu ngữ để chính giữa “Gia Đình Việt Nói Tiếng Việt” và hàng chữ “Khóa Huấn Luyện và Tu Nghiệp kỳ 26.”

Trước đó là phần rước quốc kỳ Việt, Mỹ từ phía ngoài tiến vào hội trường, do một thầy và một cô khóa sinh phụ trách. Kế đến là nghi thức dâng hương do các thầy Nguyễn Văn Khoa, Vũ Hoàng, Văn Tường, Đặng Ngọc Sinh và các cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, Trần Thị Sử và Thúy Anh phụ trách. Các thầy cô đều mặc quốc phục nghiêm trang và đầy màu sắc.

Tiếng trống bắt đầu, dồn dập, và hùng tráng, tạo thêm vẻ long trọng, do thầy Ngô Thiện Đức và thầy Lê Minh Đạo phụ trách. Mọi khóa sinh đứng trang nghiêm và tiếng cô Thúy Anh ngâm thơ và đọc văn tế làm mọi người xúc động.

Buổi lễ khai giảng có sự hiện diện của đại diện Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, đại diện Dân Biểu Tiểu Bang Lou Correa; Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, phó chủ tịch Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove; Tiến Sĩ Teri Yamada, khoa trưởng phân khoa “Nghiên Cứu về Người Á Châu và Người Mỹ Gốc Á Châu” và nhân viên tại CSULB; Tiến Sĩ Natalie Trần, CSUF; dại diện Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California và một số quan khách.

tunghiep supham 2Cô Nguyễn Khoa Diệu Quyên, trưởng ban tổ chức, tuyên bố khai giảng khóa huấn luyện và tu nghiệp kỳ 26. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Cô giáo Thụy Vy, một người điều khiển chương trình, duyên dáng giới thiệu các quan khách và nhường lời cho Tiến Sĩ Teri Yamada phát biểu, đại diện cho phân khoa của trường có ý muốn hợp tác và giúp đỡ cơ sở để tổ chức khóa học.

“Chúng tôi rất hân hạnh được tiếp tay với quý vị lãnh đạo cộng đồng, những nhà giáo dục quan tâm đến việc duy trì tiếng Việt và luôn ghi nhận những đóng góp của cộng đồng người Việt. Từ những ngày đầu khi người Việt đến nhập cư đến nay, rất nhiều người gốc Việt đã tốt nghiệp từ đại học này. Chúng tôi sẵn sàng giúp trong khả năng khi quý vị có nhu cầu.”

Luật sư Nguyễn Quốc Lân sau đó xác nhận nhu cầu giảng dạy Việt ngữ tại Học Khu Garden Grove và nói đến sự thành công của chương trình giảng dạy song ngữ Việt-Anh, với sự hỗ trợ của Tiến Sĩ Natalie Trần và chương trình đào tạo cử nhân Việt văn tại Đại Học Cal State Fullerton.

Ban tổ chức sau đó giới thiệu một quân nhân gốc Việt “Trung Tá Nguyễn Thế Thăng, thuộc đơn vị National Guard của Hoa Kỳ, tham dự với tư cách một khóa sinh lớp dạy Việt ngữ.”

“Cách đây 44 năm, tôi là học trò của thầy Đặng Ngọc Sinh, nay tôi trở lại và tham dự khóa học này để làm học trò của thầy một lần nữa,” ông Thăng nói giữa tiếng vỗ tay của mọi người đang quay nhìn về hướng thầy Đặng Ngọc Sinh.

“Tôi là tác giả của bài 'Người Việt Gốc Mỹ,' bài đoạt giải thưởng của Việt Báo năm 2008, trong đó nói về người vợ có chồng là người Mỹ nhưng sống và dạy dỗ con cái theo văn hóa Việt. Nói và viết tiếng Việt. Kính trọng tổ tiên, yêu quê hương Việt Nam và sống như một gia đình người Việt chính gốc. Vì thế mới có tựa đề là 'Người Việt Gốc Mỹ,'” ông kể.

Mọi người lắng nghe ông kể thêm một chuyện vui khi ông đến nhà thăm một người bạn.

“Con của bạn tôi nói 'chào chú, chú uống gì?' Tôi hỏi 'Bố đâu?' Cháu bé trả lời 'Nó đi lượm mẹ cháu.' Nó nói 'lượm' là để dịch chữ 'pick up' trong tiếng Anh,” ông vui vẻ kể kinh nghiệm trong khi mọi người cười nghiêng ngả.

Giáo Sư Quyên Di sau đó khai triển ý tưởng về chủ đề “Gia Đình Việt Nói Tiếng Việt.” Ông kể một kinh nghiệm có thật mà ông gặp trong khoảng thời gian 1975-1978. Một số gia đình Việt Nam ghi “Gia đình chúng tôi không nói tiếng Việt” với mục đích dốc lòng học tiếng Anh để mau hòa mình vào xã hội mới.

tunghiep supham 3Quan khách và các khóa sinh trong phần sinh hoạt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Câu chuyện xảy ra đến tai một nhà giáo và ông cảm tác làm hai câu thơ rằng 'Chỉ sợ đàn con quên tiếng Việt; Đừng lo con trẻ dốt Anh văn,'” vị giáo sư nói và nhấn mạnh sự quan trọng của ngôn ngữ với văn hóa và con người.

“Ngôn ngữ chuyên chở văn hóa, không có ngôn ngữ, không có trái tim. Gia đình Việt Nam kiên quyết nói tiếng Việt trong gia đình,” vị giáo sư đầy nhiệt huyết với chương trình dạy Việt ngữ và duy trì văn hóa Việt khẳng định.

Tiếng vỗ tay lại một lần nữa vang dội khiến mọi khóa sinh nô nức mong tham dự các lớp tổ chức vào ngày hôm sau.

Thầy Đoàn Thanh Khiết, một người khác điều khiển chương trình, giới thiệu 44 trung tâm tham dự khóa học.

Giáo Sư Quyên Di sau đó hướng dẫn mọi người hát các bài ca sinh hoạt, tay nắm tay và hẹn 7 giờ sáng Thứ Bảy.

“Bảy giờ có nghĩa là 7 giờ! Không phải là bảy giờ một phút hay bảy giờ rưỡi đâu. Bây giờ thì mời quý thầy cô ra ăn cháo đêm, trước khi về đi ngủ,” vị giáo sư không bao giờ làm mích lòng ai nhắn nhủ.

Thầy Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ, trước đó nhắc đến lịch sử khóa tu nghiệp sư phạm 14 năm trước cũng được tổ chức lần đầu tại CSULB.

Tiến Sĩ Natalie Trần ngỏ ý “rất thích chủ đề năm nay” và nói: “Trong gia đình, phụ huynh đóng vai trò quan trọng. Tại trường thì vai trò thầy cô giáo hướng dẫn học sinh qua những kiến thức học hỏi, ảnh hưởng cũng quan trọng không kém đến tương lai các em.”