“Ích lợi của việc dùng chỉ cotton để se lông là mình không phải dùng nhiệt như 'wax' vì dùng nhiệt có thể làm phỏng da khách hàng. Kế nữa, chỉ cotton không có hóa chất, trong khi các loại sáp dùng 'wax' thì có hóa chất."


WESTMINSTER, California (NV) - Phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt tối Thứ Ba vừa qua trở thành nơi “truyền nghề” se lông bằng chỉ (threading) trong thời gian 3 tiếng đồng hồ cho một số người, hầu hết đang làm việc tại các “beauty salon” ở miền Nam California.

Lớp học do cô Evons, tên thật là Kimberly McMaken, giám đốc trường Evons Beauty College, Garden Grove, phụ trách.

selong bangchi 1Cô Evons (phải) hướng dẫn lớp se lông mặt bằng chỉ tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nếu như mục đích tổ chức những lớp học “gọn nhẹ” chỉ với giá $35 cho một môn làm đẹp của cô Evons là “để chương trình làm đẹp đại chúng được đến với đông đảo cộng đồng. Ai thích đều có thể đến tham dự và làm được, tất cả đều rất dễ dàng, học xong có thể phục vụ bản thân và gia đình,” thì gần như mục đích duy nhất của những phụ nữ tham gia lớp học đầu tiên - lớp se lông mặt - là để nâng cao tay nghề, có thêm kiến thức về một kỹ thuật làm đẹp đang được khách hàng đòi hỏi ngày càng nhiều.

***

Từ rất lâu, cụm từ “se lông mặt” không phải là điều mới mẻ với phụ nữ gốc Việt nói chung.

Nói đến “se lông mặt” là người ta hình dung ra ngay hình ảnh của người thợ trong các tiệm uốn tóc, hay những người đi làm “móng tay móng chân dạo” ở Sài Gòn hay các thị trấn đông người, dùng “phấn nụ” thoa lên mặt của khách, sau đó họ lấy sợi chỉ một đầu được cắn chặt bằng... răng, đầu còn lại được móc vào trong các ngón tay và cứ thế họ đưa sợi chỉ vào mặt người khách và tay miết sợi chỉ thoăn thoắt để lấy đi hết những sợi lông măng mà khách không muốn tồn tại trên gương mặt của mình.

Theo thời gian, việc se lông mặt bị mai một dần khi những kỹ thuật tẩy lông ra đời ngày càng nhiều. Người ta dùng laser hay dùng sáp nóng để “wax” đi tất cả lông không mong muốn có trên cơ thể một cách nhanh chóng, mau lẹ. Việc tẩy lông bằng “wax” phổ biến và thông dụng đến mức rất nhiều thợ nail sau khi có bằng hành nghề làm móng tay móng chân đã chịu khó đi học thêm để lấy bằng “chuyên viên thẩm mỹ” - esthetician - chỉ nhằm vào việc được làm “wax” một cách hợp pháp để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, như chị Nga Phạm, hiện đang làm nail tại Corona ở Riverside County, cho biết, “Thời gian gần đây những người Trung Ðông họ mở tiệm 'threading' se lông bằng chỉ nhiều quá. Họ 'tuyên truyền' với khách là làm 'threading' thì an toàn, còn 'wax' sẽ bị phỏng, bị nám, xệ da... Họ nói tùm tum hết nên bây giờ khách vô tiệm là hỏi có làm 'threading' không, không có thì họ bỏ đi.”

Ðó là lý do chị Nga ghi danh học lớp “threading” này.

selong bangchi 2Một người mẫu đang được se lông mặt bằng chỉ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Tương tự như vậy, chị Catherine Trần, một người thợ nail còn khá trẻ, đang làm tại Tustin, không quá xa Little Saigon, cũng thừa nhận lý do tìm đến học thử lớp này là để biết cách làm “threading” là như thế nào vì “nhiều khách yêu cầu.”

Cô Evons cũng cho rằng, “Ích lợi của việc dùng chỉ cotton để se lông là mình không phải dùng nhiệt như 'wax' vì dùng nhiệt có thể làm phỏng da khách hàng. Kế nữa, chỉ cotton không có hóa chất, trong khi các loại sáp dùng 'wax' thì có hóa chất. Hiện nay, người Trung Ðông rất mạnh trong việc khuếch trương việc se lông mặt bằng chỉ, còn người Việt Nam thì chỉ mới biết vào lãnh vực này thôi.”

***

Lớp học bắt đầu bằng việc tập quấn chỉ vào tay. Chỉ là việc làm sao cho hai đầu sợi chỉ được giấu vào trong và sợi chỉ phải nằm bên trong hai ngón tay cái và trỏ thôi mà cũng có vẻ khá khó khăn cho nhiều người. Có lúc quấn thì sợi chỉ nằm trong. Lúc tháo ra tập quấn lại thì sợi chỉ lại chui ra nằm ngoài. Chưa kể đến có người hai bàn tay quấn sợi chỉ vào đã ra dáng thợ chuyên nghiệp, nhưng cũng có người hai tay cứ thẳng đơ ra. Bấy nhiêu đó cũng tạo ra nhiều tiếng cười khúc khích.

Sau phần tập quấn chỉ lại đến phần tập khép mở các ngón tay. Rồi lại đến tập se sợi chỉ trên tay thành giống như cây kéo, sao cho phải cân bằng, nếu không cân bằng thì làm sao mà cắt lông cho đứt!

Làm quen được với sợi chỉ nhún nhảy trên các ngón tay rồi thì mới đến việc kê lên chân mình tập se thử coi lông có đứt không.

Lớp học trở nên vui nhộn, ồn ào, người này chỉ thêm cho người kia, người kia kê chỉ lên tay người nọ se thử. Cô giáo thì cứ đi vòng vòng chỉ cho từng người, từng nhóm nhỏ. Tay cô se chỉ thì thoăn thoắt, nhẹ nhàng, uyển chuyển như múa. Tay học trò thì lóng ngóng, cứng đơ. Mà cũng đúng thôi, có ai giỏi giang, rành rẽ ngay từ buổi đầu đi học. Cần phải có thời gian tập luyện.

Chị Hồng Nguyễn, một trong những người tham gia lớp học, nêu nhận xét, “Với giá $35 cho một buổi học như vậy, tôi nghĩ là phải chăng. Vì mình nắm được những điều căn bản của kỹ thuật 'threading.' Còn để làm cho nhuần nhuyễn thì phải chịu khó về nhà tập luyện.”

selong bangchi 3Cô Evons (trái) hướng dẫn học viên quấn chỉ vào tay. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Liệu một buổi học kéo dài chưa đến 3 tiếng thì người tham dự có học được nghề này không?”

Cô Evons cho rằng, “Công việc này đơn giản, chỉ đòi hỏi quen tay thì sẽ làm thuần thục. Kỹ thuật thì rất đơn giản chỉ là quấn chỉ vô tay và căng kéo làm sao.”

Cô Evons nói thêm, “Học se chỉ này không cần có bằng, 'state board' không đòi hỏi có bằng riêng cho 'threading.' Người thợ đã có bằng 'esthetician' rồi thì học thêm 'threading' cũng như học thêm một môn nâng cao, thêm vào nghề nghiệp của mình. Người học có thêm giấy chứng nhận 'certificate' thì tốt thêm cho nghề nghiệp. Ngoài ra ai cũng có thể học để tự làm ở nhà cho mình, vì se chỉ 'rất hiền,' không có hóa chất.”

Chị Hồng cũng cùng suy nghĩ. Chị nói, “Có thêm cái 'certificate' treo trong tiệm cũng khiến cho khách hàng nể mình hơn, tin tưởng mình hơn. Nghề gì cũng cần có sự bồi đắp kiến thức mới. Nếu không học khách hỏi đến mình không biết thì từ từ họ bỏ đi.”

Ngoài việc hướng dẫn se lông bằng chỉ, cô Evons còn hướng dẫn cách se lông bằng máy. Theo cô, “Sử dụng máy có thể lấy đi lông mặt, lông mép, se lông 'bikini,' lông nách, lông bụng, lông lưng. Tuy nhiên, vì tốc độ nhanh và không đi vô những khe nhỏ được, nên một số vùng trên mặt vẫn phải se bằng tay.”

***

Mặc dù ai cũng cho rằng “wax” nhanh hơn, dễ làm hơn se lông bằng chỉ, nhưng những người tham gia lớp học không ai chối bỏ rằng “cần phải học thêm cho biết vì sự cạnh tranh trong thị trường làm đẹp ngày càng gay gắt.”

Trong vai trò phụ trách lớp học, giám đốc trường Evons Beauty College cho biết, “Tương lai có thể hợp tác với nhật báo Người Việt để mở những lớp beauty như nối lông mi, săn sóc da, xâm thẩm mỹ, cắt tóc nam, nhuộm tóc,... mỗi một tuần hay mỗi hai tuần một lần, tất cả đều có học phí chung là $35.”

“Hy vọng với chương trình làm đẹp đại chúng, ai khéo tay thì làm gì cũng được, và mọi người đều có thể học để phục vụ bản thân và gia đình, bên cạnh việc học nâng cao tay nghề với thợ chuyên nghiệp,” cô Evons kỳ vọng.

–-
Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.