main billboard

“đồng hương thân hữu Bảy Hiền có dịp gặp gỡ thăm hỏi nhau nơi đất khách quê người và nhất là để thế hệ con em cùng phát triển tình tương thân tương ái,”

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Hội Thân Hữu Bảy Hiền vừa thông báo cho biết một buổi Picnic Hè 2014 sẽ được hội tổ chức vào ngày Chủ Nhật, 20 Tháng Bảy, tại công viên Mile Square Regional Park, Fountain Valley, chòi số 2 suốt từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Ðây là buổi họp mặt vui chơi được hội tổ chức hàng năm, đã gần 20 năm qua, để “đồng hương thân hữu Bảy Hiền có dịp gặp gỡ thăm hỏi nhau nơi đất khách quê người và nhất là để thế hệ con em cùng phát triển tình tương thân tương ái,” như lời ban tổ chúc cho biết.

bayhien hopmatThân hữu Bảy Hiền tham dự Picnic Hè 2013 tại Mile Square Regional Park. (Hình: Hội Thân Hữu Bảy Hiền)

Ông Huỳnh Toại, một trong 6 thân hữu Bảy Hiền đứng ra tổ chức Picnic Hè năm nay cho biết: “Cũng như mọi năm sinh hoạt hè của Hội Thân Hữu Bảy Hiền sẽ có những tiết mục chính là tổng kết về các hoạt động của hội trong năm, tổng kết ngân quỹ của hội, lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của thân hữu hội viên và sau đó là một chương trình sinh hoạt dự trù sẽ có những môn thể thao như trò chơi Pinata lấy kẹo, bóng chuyền, nhẩy bao, đấu cờ tướng v.v...”

Sáu vị trong ban tổ chức buổi Picnic Hè năm nay cho hội là các ông Hồ Nhân, Huỳnh Chiến, Lê Bốn, Hồ Văn Ðức, Huỳnh Toại và Huỳnh Trọng Nghĩa.

Ông Huỳnh Toại cũng cho biết: “Ngã Tư Bảy Hiền là một vùng đất thuộc quận Tân Bình, trước đây thuộc tỉnh Gia Ðịnh, là nơi định cư của một số lớn người dân xứ Quảng, trốn chạy chiến tranh từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào những năm cuối thập niên 60 và đã đem nghề dệt truyền thống của quê hương Quảng Nam vào lập nghiệp. Ðối với chúng tôi Bảy Hiền đã là quê hương thứ hai tại Việt Nam nên tình quê hương chan hòa trong chúng tôi không chỉ là xứ Quảng mà cả là Bảy Hiền của Gia Ðịnh nữa.”

Trong câu chuyện với nhật báo Người Việt, ông Toại còn cho biết nhiều chi tiết về sự lập nghiệp của người dân xứ Quảng tại Bảy Hiền. Theo ông, vào những năm 60 thì Bảy Hiền vẫn còn là một nơi hoang vắng của ngoại ô Sài Gòn. Khi ấy Bảy Hiền một phía đường Nguyễn Văn Thoại còn là những vườn cao su lớn của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn. Trong chương trình chỉnh trang và mở rộng thành phố, một vị linh mục đã đứng ra bán nhiều lô đất của các vùng trồng cao su này. Người dân xứ Quảng khi ấy vì tình hình an ninh phá hoại của cộng sản nên đã phải dời bỏ quê hương bản quán vào Sài Gòn sinh sống. Mới đầu thì ở rải rác tại các khu Phú Lâm, Lò Chén trong Chợ Lớn, khi gom góp nhau mua được những khu đất do vị linh mục này bán nên đã rủ nhau quần tụ về đây sinh sống đùm bọc lẫn nhau. Cái nghề truyền thống là dệt vải từ bao đời của người dân xứ Quảng, nay mọi người đã chọn làm nghề chính tại vùng đất mới này. Thế là những khung cửi thô sơ được dựng lên trong mỗi nhà, chỉ tân tiến hơn là sắp đặt cho chạy bằng điện để có được hiệu suất cao hơn. Chỉ trong vài năm cả khu đã hình thành được một “làng” dệt vải, hàng năm sản xuất được mấy triệu mét vải cung cấp cho nhu cầu may mặc trong nước. Nhưng dần các khu kỹ nghệ dệt lớn của người Hoa mọc lên cùng là sự thành lập những xưởng dệt quy mô trong kế hoạch kinh tế của chính phủ đã ảnh hưởng không ít đến nghề dệt vải thủ công này, nhất là sau 1975, vải vóc của người Hoa đưa sang bán phá giá nên ngành dệt của người dân xứ Quảng tại Bảy Hiền càng ngày càng suy thoái.

Nhiều thân hữu Bảy Hiền cũng cho biết, vào những năm thịnh trị, khu Bảy Hiền đã thu hút được khá đông người tứ xứ đến làm ăn buôn bán. Vào những dịp Tết, khu Ngã Tư Bảy Hiền đã trở thành nơi trao đổi mua bán thổ sản rất tấp nập. Ðó là lá dong và lá chuối để gói bánh chưng bánh tét trong dịp Tết. Ðó là những xấp vải đủ loại, đủ mầu, đó là những phó sản của ngành dệt như quần áo trẻ em người lớn may sẵn v.v... Bên cạnh đó là những hàng quà dọc hai bên phố quanh khu Ngã Tư Bảy Hiền. Món ăn thấy nhiều nhất là mì Quảng trong các nhà hàng ăn bình dân la liệt trong chợ ngoài phố. Rồi mỗi độ xuân về, người dân xứ Quảng tại Bảy Hiền lại có tục “Cúng Ðình”, như hồi còn ở quê cũ nhưng đình không có nên người dân trong các hẻm cũng tụ họp nhau lại ăn uống, cúng bái và có cả hát bội, bài Chòi với nhau tạo nên một sắc thái riêng biệt của khu Ngã Tư Bảy Hiền mà có người đã ví “Bảy Hiền là xứ Quảng giữa Sài Gòn”.

Tính ra thì cũng đúng vì theo những thống kê thời bấy giờ người dân Bảy Hiền khi đó chiếm tới 90% là dân xứ Quảng.

Theo ông Huỳnh Toại thì dù đã xa quê hương, cả quê hương chính lẫn quê hương phụ, người dân xứ Quảng sau cuộc đổi đời phần lớn đã lại quần tụ nhau được trên các miền đất tự do để hàng năm vẫn quần tụ nhau, che chở và đùm bọc nhau.

Một thân hữu Bảy Hiền hoan hỉ nói: “Dân Bảy Hiền chúng tôi có đến ba quê hương, một là xứ Quảng, hai là Bảy Hiền và ba là các miền tự do đã mở rộng vòng tay đón chúng tôi, tạo cho con em của chúng tôi vô vàn cơ hội để thăng tiến”.

Quý độc giả muốn biết thêm chi tiết về Hội Thân Hữu Bảy Hiền có thể liên lạc qua số điện thoại (714) 873-4832 hoặc (909) 598-7953.