"Ngày hôm nay, mối đe dọa đó đã trở thành nỗi nguy hiểm thật sự.  Đã đến lúc Trung Cộng muốn thực sự chiếm quyền bá chủ vùng biển Đông để từ đó bành trướng khắp Châu Á."


btinh houston 180514 1Ngày 18 tháng Năm, hàng ngàn người Việt đã qui tụ về trước tòa Tổng lãnh Sự Trung Quốc tại Houston để phản đối Bắc Kinh đặt giàn khoan HD 981 trên phần lãnh hải của Việt Nam. RFA

Vào trưa Chủ Nhật, 18 tháng Năm, hàng ngàn người Việt đã qui tụ về trước tòa Tổng lãnh Sự Trung Quốc tại Houston để phản đối Bắc Kinh, đã cho đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên phần lãnh hải của Việt Nam.

Mặc dù ban tổ chức thông báo là cuộc biểu tình bắt đầu lúc 12 giờ trưa, nhưng mới 11 giờ sáng, đã có rất đông người tụ tập trước tòa Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston. Ngoài cư dân Houston và vùng phụ cận, còn có những người từ Austin, từ San Antonio ... Đến 11 giờ 30 thì đoàn người từ Dallas, Fort Worth cũng vừa đến trên chiếc Bus thật lớn. Ngay sau đó là phái đoàn từ tiểu bang Louisiana cũng hòa nhập vào đoàn người biểu tình.

Thay mặt cho đồng bào trong nước

Cuộc biểu tình lần này do các cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Texas tổ chức. Ông Đặng Quốc Việt, thay mặt ban tổ chức, nói mục đích của cuộc biểu tình:

"Đầu tháng Năm này, Trung cộng đã đem giàn khoan HD-981vào trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đây là hành động mà không người Việt Nam nào có thể chấp nhận được. Và vì vậy đồng bào của chúng ta trong nước đã nói lên sự quyết tâm chống lại sự xâm lăng của Trung cộng. Ngày Chủ nhật hôm qua, người Việt trong nước đã có những cuộc biểu tình nhưng nhà nước và đảng cộng sản Việt Nam đã đàn áp, bắt bớ và không cho phép đồng bào chúng ta bày tỏ lòng yêu nước, phản đối sự xâm lăng của Trung Cộng. Ngày hôm nay, chúng ta ở đây, thay mặt cho đồng bào trong nước để nói lên quyết tâm này..."

Houston

Chủ tịch Cộng đồng người Việt Quốc gia Houston và vùng phụ cận, luật sư Phan Quốc Cường phát biểu :

"Chúng ta đã đối diện với sự đe dọa từ trước tới giờ về chính sách bành trướng của Trung cộng đối với đất nước của chúng ta. Ngày hôm nay, mối đe dọa đó đã trở thành nỗi nguy hiểm thật sự.  Đã đến lúc Trung Cộng muốn thực sự chiếm quyền bá chủ vùng biển Đông để từ đó bành trướng khắp Châu Á. Đây là thời điểm họ ra tay hành động và mối lo sợ của chúng ta đã thành sự thật.

    Ngày Chủ nhật hôm qua, người Việt trong nước đã có những cuộc biểu tình nhưng nhà nước và đảng cộng sản VN đã đàn áp, bắt bớ và không cho phép đồng bào chúng ta bày tỏ lòng yêu nước, phản đối sự xâm lăng của Trung Cộng. Ngày hôm nay, chúng ta ở đây, thay mặt cho đồng bào trong nước để nói lên quyết tâm này
    Ông Đặng Quốc Việt

Ngày hôm nay, sở dĩ mà dân tộc chúng ta lâm vào cái tình huống nguy hiểm như vậy, nhục nhã như vậy là bởi vì có một chính phủ không biết lo cho dân, vì dân. Khi người dân đứng lên vì lòng yêu nước thì họ sẵn sàng đàn áp. Họ đã đàn áp ngày hôm qua tại Việt Nam, khiến cho nhiều người yêu nước bị bắt giam. Ngày hôm nay, chúng ta thấy rõ rằng họ sẵn sàng làm tất cả để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của họ, sẵn sàng chà đạp lên quyền lợi của dân tộc. Một chính phủ như vậy thì làm sao có thể bảo vệ được non sông trước kẻ xâm lược mạnh hơn họ cả hàng chục lần? Một chính phủ như vậy thì làm sao thu hút được nhân tài bước ra để đứng lên hy sinh vì non sông ?... Chúng ta là những người ở hải ngoại, chúng ta căm phẫn vô cùng ..."

Đứng trong đám đông người đang reo hò những câu phản đối Trung quốc, Tommy Nguyễn, 17 tuổi, tay cầm biểu ngữ "China: get out of Vietnam" chia sẻ rằng em được ba mẹ cho biết là Trung Quốc đặt giàn khoan Hải dương 981 trên lãnh hải của Việt Nam, nên em đi biểu tình để phản đối Trung Quốc:

btinh houston 180514 2Phản đối tham vọng bành trướng theo đường lưỡi bò cua TQ trên biển Đông. RFA

"Biểu tình để chống lại người China, muốn lấy lãnh thổ của người Việt"

Trong khi đó, Bác Lan trên 70 tuổi, thì bày tỏ tâm tình của mình:

Tổ quốc lâm nguy!  Bác không thể vô cảm được. Trung Quốc, ỷ nước mạnh, dân đông, ăn hiếp nước Việt Nam.  Bác lớn tuổi rồi, bác phải thương tổ quốc Việt Nam của bác. Xin các thanh thiếu niên, các sinh viên, và tất cả các bạn trẻ, các con cháu, phải đứng lên. Tổ quốc lâm nguy! Đừng vô cảm. Đứng lên đuổi họ. Bảo họ phải rút cái giàn khoan đó đi liền. Không được xâm phạm Việt Nam. Của Việt Nam, trả lại cho Việt Nam.

Colorado

Còn bác Tuyết Mai đến từ Denver, tiểu bang Colorado nói rằng, vì e ngại Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam nên bác tham dự cuộc biểu tình. Bác nói thêm là, nếu người Việt trong nước không mạnh dạn lên tiếng, không biểu tình chống Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ chiếm Việt Nam:

    Tất cả người Việt Nam đều căm phẫn sự xâm lăng của cộng sản Trung Quốc đối với đất nước mình. Và không những thế, chúng tôi còn căm thù cả cộng sản Việt Nam bởi vì họ quá nhu nhược.
    anh Nguyễn Quốc

"Tất cả những người ở đó, mà ai cũng làm được như vậy, thì mình càng đẩy Trung cộng càng nhanh hơn. Chứ mà người nào cũng ìu ìu sển sển, mà cứ sợ hãi, là càng ngày họ càng lấn chiếm. Lần này mà Trung Cộng xâm chiếm Việt Nam thì con cháu mình rất là khổ."

Một người đến từ Dallas là anh Nguyễn Quốc, chia sẻ rằng vì bất mãn sự nhu nhược của nhà cầm quyền Hà Nội trước việc Trung quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 nên anh phải đến Houston để biểu tình:

"Tất cả người Việt Nam đều căm phẫn sự xâm lăng của cộng sản Trung Quốc đối với đất nước mình. Và không những thế, chúng tôi còn căm thù cả  cộng sản Việt Nam bởi vì họ quá nhu nhược. Tất cả người Việt Nam, từ già trẻ lớn bé ở khắp mọi nơi, đều không cầm lòng được trong những ngày qua. Cho nên dù ở xa, dù bất tiện thế nào thì chúng tôi cũng cố gắng làm mọi cách để bày tỏ thái độ của mình với giặc ngoại xâm."

    Vì con muốn chống Trung Cộng. Con sinh ra ở đây, con không ở Việt Nam nhưng con có giòng máu Việt Nam nên con phải bảo vệ giòng máu của con, bảo vệ quê hương của con vì ba mẹ con sinh ra ở đó. Con là người Việt Nam
    cô Anh Thư

Còn cô Anh Thư, 23 tuổi, cũng đến từ Dallas, cho biết, là mặc dù cô sinh ra tại Hoa Kỳ và chưa bao giờ đến Việt Nam nhưng đó là nơi chôn nhau cắt rốn của cha mẹ cô nên cô vẫn có bổn phận bảo vệ miền đất xa xôi đó. Và vì vậy cô tham dự cuộc biểu tình:

"Vì con muốn chống Trung Cộng. Con sinh ra ở đây, con không ở Việt Nam nhưng con có giòng máu Việt Nam nên con phải bảo vệ giòng máu của con, bảo vệ quê hương của con vì ba mẹ con sinh ra ở đó. Con là người Việt Nam. Con ở Mỹ nhưng con vừa là người Mỹ vừa là người Việt Nam."

Cô chia sẻ thêm là cô theo dõi tin tức trên các hệ thống truyền hình tại Hoa Kỳ nên cô biết được là nhà nước Việt Nam đã đàn áp cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của những người yêu nước, ngày 18 tháng 5. Cô nói rằng người dân cần lên tiếng nói. Và đó là điều rất quan trọng:

"Con theo dõi và con nghĩ cái đó không đúng. Người dân phải cần lên tiếng nói. Cái đó rất quan trọng.  Quan trọng nhất của con người."

Và anh Quốc thì thì nói, sở dĩ có sự việc đàn áp những cuộc biểu tình tại Việt Nam ngày 18 tháng 5, là vì Hà Nội muốn làm vừa lòng Bắc Kinh mà thôi:

"Bộ trưởng công an sang Trung Cộng, ông toàn nhận lệnh của Trung Cộng mà thôi. Ông không có một yêu cầu là Trung cộng phải rút hay là lên án Trung cộng bắn giết ngư dân Việt Nam. Sau những lần Việt Nam sang Trung cộng về, là lần nào cũng đàn áp hết. Tạo sự bất mãn và phẫn uất trong dân chúng ở khắp nơi."

    Những cuộc biểu tình ở hải ngoại giúp cho người trong nước biết rằng người hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê nhà. Còn chuyện có ảnh hưởng gì với Trung quốc thì chính người trong nước và người hải ngoại cùng làm
    ông Mạnh Xuân Thái

Tuy nhiên có người cho rằng, sở dĩ có cuộc đàn áp ngày Chủ Nhật, 18 tháng 5 vì trước đó công nhân Bình Dương và Hà Tĩnh đã quá đáng, gây nên những cuộc bạo động làm tổn hại nhân mạng cũng như hư hại nhiều cơ sở thương mại của người Trung quốc. Nhưng ông Sơn Nguyễn, đến từ Fort Worth nói rằng Trung Quốc đã gây bạo động với ngư dân Việt Nam nhiều hơn như vậy:

"Đối với tôi, cuộc biểu tình cũng tùy theo hoàn cảnh xã hội. Trung cộng đã đàn áp dân mình quá nhiều. Nỗi đè nén đó tới lúc cùng cực thì phải vùng lên. Trong sự vùng lên đó, có những lúc quá bực, thì dân chúng phải làm.  Nếu mà nói hơi quá thì tại sao Trung cộng đánh ta không nhường tay ? Họ có đánh quá chúng ta hay không ? Họ có đâm vào thuyền của ngư dân chúng ta trên biển cả không? Tay không, họ vẫn đâm vào!  Cái đó có quá hay không ?"

Louisiana

Ông Peter Nguyễn, đến từ New Orleans, tiểu bang Louisiana tin rằng sự phản đối Trung quốc của người Việt trong nước và hải ngoại có thể làm thay đổi được tình hình trong nước:

"Tôi nghĩ là Trung cộng sẽ rút lui nếu chúng ta đủ mạnh về toàn dân, từ trong nước ra hải ngoại, đồng một lòng đuổi Tàu. Thứ hai là làm cách nào để quốc tế lưu tâm đến chúng ta..."

Và ông Mạnh Xuân Thái, cư dân Houston, cũng cho rằng người Việt, trong nước và hải ngoại phải cùng nhau phản đối Trung Quốc thì mới mong có kết quả:

"Những cuộc biểu tình ở hải ngoại giúp cho người trong nước biết rằng người hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê nhà. Còn chuyện có ảnh hưởng gì với Trung quốc thì chính người trong nước và người hải ngoại cùng làm"

Cuộc biểu tình trước tòa tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston chấm dứt lúc 2 giờ chiều. Và vào lúc 7 giờ tối cùng ngày, một buổi thắp nến cầu nguyện cho Việt Nam đã có hàng ngàn người tham dự. Có lẽ lời tâm sự của cô Anh Thư là tâm trạng của những người dân Việt đang sống xa quê hương, đó là: dù cho ở đâu đi nữa thì cũng phải luôn luôn bảo vệ cái di sản của cha ông để lại:

"Always, always, always phải bảo vệ cái di sản của mình, bảo vệ dân tộc của mình dù ở đâu đi nữa..."

Hiền Vy, tường trình từ Houston.