main billboard

"Bất cần, nghèo sẳn rồi đâu sợ nghèo thêm, nghỉ vài bữa đi chống Trung Quốc rồi tính sau."


BÌNH DƯƠNG (NV) -  Vừa băng qua điểm giáp ranh giữa Sài Gòn - Bình Dương,  chúng tôi cảm nhận  được sức nóng biểu tình chống Trung Quốc hôm qua, 13 tháng 5, 2014, của hàng ngàn công nhân Bình Dương.

Bình Dương vào sáng ngày 14 tháng 5, đoạn quốc lộ 13 từ cầu vượt ngã Tư Bình Phước qua Lái Thiêu, đến hết trung tâm Thủ Dầu Một gần như tất cả các cửa hàng, công ty hai bên mặt tiền đều đóng cửa, dù hôm nay không phải là ngày nghỉ cuối tuần.

btinh dappha xuong tc 2Những biểu ngữ đơn sơ và đóng tro tàn bạo động đêm 13 tháng 5 của công nhân Bình Dương. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)

10 giờ sáng, ngay khi chúng tôi vào địa phận Bình Dương đã bắt gặp một cuộc biểu tình mới bùng lên. Một tốp khoản vài trăm nam công nhân từ hướng thị xã Thủ Dầu Một chạy xe gắn máy, phất cờ kéo xuống và tập trung ngay bên con lươn giữa đường đối diện với một công ty may có tên Diva.

Chỉ sau năm phút, tiếng ầm ầm từ bên trong cổng công ty này phát ra và hàng trăm nữ công nhân ùa ra đường. Tiếng hô: "Đã đảo Trung Quốc", tiếng vỗ tay từ nhóm nam công nhân và nữ công nhân đồng loạt vang lên; Tạo ra một không khí vừa bất thường lại vừa phấn kích cao độ.

Chúng tôi tấp xe gắn máy vào lề đường sát tường rào công ty Diva để theo dõi đoàn biểu tình, dân bên đường cũng đổ ra xem, người thì đưa điện thoại di động lên chụp hình, người vỗ tay... nhìn chung ai cũng có vẻ mặt tán đồng đoàn biểu tình.

Khi những tốp nữ công nhân biểu tình vừa rời xí nghiệp đến ngang chỗ chúng tôi,  một cô công nhân cho chúng tôi biết. "Các anh làm ở khu công nghiệp Singapore muốn tụi em đình công chống Trung Quốc. Tụi em hưởng ứng liền." Chúng tôi hỏi, chủ của cô có phải là người Trung Quốc không?

Cô trả lời. "Công ty Hàn Quốc, nhưng tụi em đình công là vì chống Trung Quốc."

btinh dappha xuong tc 3Đóng tro tàn trước cổng một công ty TQ và khẩu hiệu của công nhân Bình Dương chống TQ. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)

Chúng tôi lại hỏi. Nghỉ thế này thì ai trả tiền công, không sợ bị đuổi thất nghiệp sao. Cô công nhân khoảng hai mươi tuổi nói. "Bất cần, nghèo sẳn rồi đâu sợ nghèo thêm, nghỉ vài bữa đi chống Trung Quốc rồi tính sau."

Chúng tôi lách qua đoàn biểu tình để đi đến khu công Nghiệp Singapore, hai bên đường có rất nhiều điểm bán cờ đỏ vừa mọc lên. Dường như cả thị xã Thủ Dầu Một này, chỉ những điểm bán cờ và băng vải đỏ phục vụ  biểu tình là giữ được nhịp kinh doanh bình thường. Nói cách khác, những điểm bán cờ đang phục vụ một nhu cầu mới, nhu cầu yêu nước của hàng ngàn công nhân lao động chân chính.

Đường vào khu công nghiệp Singapore hôm nay quả có một không khí của vận hội lịch sử. Vẫn cây xanh, nhà đẹp, xưởng lớn... của một khu công nghiệp nổi tiếng thành công, của một tỉnh nổi tiếng có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước. Nhưng từ ngày hôm qua, nơi đây đã nổi tiếng khắp cả nước và cả thế giới vì thái độ quyết liệt đến mức bạo động của hàng ngàn công nhân yêu nước, chống Trung Quốc  xâm lược lãnh hải chủ quyền Việt Nam.

Ngày 14 tháng 5, tất cả các công ty có mặt ở khu công nghiệp và của cả tỉnh Bình Dương đều nghỉ việc, cửa đống then gài như có chiến tranh.

Điều ghi nhận trước tiên là những công ty nào thuộc chủ đầu tư Trung Quốc đều được cảnh sát chống bạo động bảo vệ nghiêm ngặt.

Hầu hết các công ty đầu tư đa quốc gia khác đều không bị đoàn biểu tình xâm phạm. Nhưng để cẩn thận, những công ty này đều treo cờ quốc gia mình trước cổng, kèm khẩu hiệu: "Chúng tôi là công ty Nhật, chúng tôi là công Ty Ấn Độ, hoặc chúng tôi ủng hộ chủ quyền Việt Nam..."

Băng qua những tốp cảnh sát chống bạo động vũ trang tận răng, chúng tôi vào khu vực có công ty Trung Quốc bị đốt phá đêm qua.

Theo dân địa phương chuyện cướp phá hôi của là do bọn xã hội đen chung quanh khu công nghiệp lợi dụng  chuyện biểu tình. Họ nói thẳng. " Hôm qua có hàng chục ngàn công nhân biểu tình nếu họ xấu hết thì bình địa chớ chẳng chơi".

Trước mặt chúng tôi, dọc theo hàng rào của công ty là những khẩu hiệu viết bằng tay trên loại giấy thùng carton,  giấy tập học sinh.  Trong đó có môt khẩu hiệu mang nội dung khiến chúng tôi cực kỳ xúc động và kính trọng những người công nhân biểu tình nơi đây: 'Hoàng Sa, Trường Sa là chén cơm của chúng ta.'

Bên trong công ty bị đốt còn những đống tro tàn, những người bảo vệ trực thì ngơ ngác, sợ sệt, những người đến quan sát bên ngoài thì sắc mặt rất đồng tình.

Một người dân Bình Dương, tuổi trung niên nói. "Tôi cũng không ngờ công nhân mình dữ như vậy. Ở đây chưa thấm gì đâu, dưới Đại Nam hôm qua, đập phá mới banh chành."

Có mặt tại nơi công nhân biểu tình và có những hành vi bạo động lớn nhất trong lịch sử chế độ cộng sản. Chúng tôi và nhiều người dân tại chính địa phương này đều thông cảm việc bạo động.

Bao nhiêu ức chế về cuộc sống, bao nhiêu áp bức bóc lột, thậm chí đến chuyện trong giờ làm đi tiểu, đi tiêu, chủ Trung Quốc cũng không cho... Nhưng nay, tính cam chịu của họ được tình cảm yêu nước chống Trung Quốc đánh thức thì một vài vụ việc quá khích chỉ biểu hiện bên ngoài và tạm thời.

Tình cảm và ý thức yêu nước chân chính của tất cả những công nhân Bình Dương và Việt Nam mới là điều mà dư luận và lịch sử ghi nhận.

Đến Bình Dương và tận mắt nhìn thấy, trừ các công ty Trung Quốc và một ít công ty bị Đài Loan, Hàn Quốc, Singpore bị nhầm lẫn là công ty Trung Quốc  thì hầu hết các công ty đa quốc gia khác đều không thiệt hại gì trong cao điểm biểu tình ngày 13 tháng 5. Đó là biểu hiện thật nhất của lòng yêu nước trong sáng của giới công nhân chân chính Việt Nam.