main billboard

Hiện có khoảng 20 ngàn người “con lai” ở Hoa Kỳ và 400 người còn ở VN theo ghi nhận của Hội “Amerasians Without Borders”.


conlaiMột trẻ lai Mỹ ở Việt Nam năm 1989 . AFP photo

Sự kiện 30/4/1975 là biến cố lớn trong đời của nhiều triệu người Việt Nam. Trong đó có những người Việt lai Mỹ. Biết bao câu chuyện biệt ly, hội ngộ của họ đã được nói đến. Và đến nay vẫn còn nhiều người chưa tìm được người cha ruột của họ.

Mỗi người một hoàn cảnh

Hiện có khoảng 20 ngàn người “con lai” ở Hoa Kỳ và 400 người còn ở VN theo ghi nhận của Hội “Amerasians Without Borders”.

Tất cả số này được sinh ra trong những hòan cảnh khác nhau, trong những bối cảnh gia đình không giống nhau trong khoảng thời gian người Mỹ có mặt ở chiến trường VN. Nhưng họ lại có cùng một cái tên là “con lai” và phần đông trong số họ bị đối xử một cách khinh miệt, phải chịu đựng cuộc sống khó khăn, cực khổ; nhất là sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Những tưởng cuộc sống buồn thảm ở VN của những người “con lai” mà hầu hết là trong số phận mồ côi hay con nuôi kéo lê qua những tháng ngày vô vọng. Tuy nhiên, một cuộc “đổi đời” đã đến với họ khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật “American Homecoming Act” vào năm 1987, cho phép tất cả những người con của cựu quân nhân Hoa Kỳ ở VN được trở về quê cha của mình.

Nhiều người trong số hơn 20 ngàn “con lai” đặt chân đến Mỹ với hành trang là những ký ức vỡ vụn, là một vài tấm hình gia đình đã hoen ố, là bút tích nguệch ngoạc của phụ thân mà không rõ họ tên hay thậm chí là một câu hỏi “ tôi là ai? Ngày mai của tôi sẽ thế nào?” Thế nhưng, trong suốt thời gian gần 30 năm ở quê cha, những người “con lai” với một cuộc sống ổ định, vẫn đau đáu một nỗi niềm tha thiết, một hy vọng mong manh.

    Lúc nào mình cũng có ước vọng tìm được người mẹ để biết được tâm tình của người mẹ đối với người con như thế nào và muốn tìm hiểu vì sao bà cho mình đi.
    - Chị Thủy Lê, Colorado

Chị Thủy Lê ở tiểu bang Colorado tự nhận mình là một người may mắn trong số những người “con lai”. Chị đến Mỹ cùng với gia đình nhận nuôi chị từ lúc bé. Ngôi nhà của chị gần 20 năm qua đầy ắp tiếng cười của 4 đứa con xinh xắn, ngoan hiền. Và chị vẫn dành thời gian đi tìm cha mẹ ruột của mình. Chị Thủy chia sẻ:

“Lúc nào mình cũng có ước vọng tìm được người mẹ để biết được tâm tình của người mẹ đối với người con như thế nào và muốn tìm hiểu vì sao bà cho mình đi. Và mình cũng mong muốn có được tình thương của người mẹ ruột của mình. Mình có người mẹ nuôi nhưng tình thương đó không giống như của người mẹ ruột cho mình. Cho nên lúc nào cũng mong muốn tìm lại được người mẹ và người cha, nhất là con gái thì thường cần một người cha vì cha luôn nâng đỡ, dạy dỗ trong cuộc sống”.

Sau một thời gian dài ngược xuôi giữa Việt Nam-Hoa Kỳ, cuộc tìm kiếm thân mẫu đi vào bế tắc cũng như kết quả xét nghiệm ADN với một cựu quân nhân Mỹ tìm con không trùng hợp đã không làm dập tắt ước mơ một ngày trùng phùng với cha mẹ ruột của chị Thủy Lê.

Còn số phận của khoảng 400 người “con lai” ở VN thì sao? Họ đã lỡ cơ hội trở về quê cha vào những năm cuối thập niên 80. Liệu rằng, họ cũng có cùng một ước vọng sẽ được gặp cha mình dù chỉ một lần trong đời?

Cuộc sống nơi quê cha


Câu chuyện của người “con lai” tên Võ Hữu Nhân ở Long Xuyên, An Giang là một phép màu. Anh Nhân hài lòng với cuộc sống ở đất mẹ, nơi quê ngoại với những tấm lòng đôn hậu của chòm xóm bao bọc gia đình anh hơn nửa đời người. Ước mơ trở về quê cha dường như là không tưởng nhưng anh Nhân đón nhận tin vui mừng khôn tả vào ngày 30/11 năm ngoái, tìm lại được cha sau khi có kết quả xét nghiệm ADN. Hiện anh Nhân đã nộp đơn xin chính phủ Hoa Kỳ cứu xét để được đoàn tụ với thân phụ. Anh Nhân bày tỏ trong niềm hân hoan:

“Bởi vì mình thất lạc người cha yêu thương quá lâu rồi. Bây giờ muốn về quê cha để sống với cha. Cha cũng tuổi đã già, còn bà mẹ bên đó nữa”.

Trả lời câu hỏi của Hòa Ái rằng có sự lo lắng nào cho một cuộc sống mới mà tuổi đời không còn trẻ nếu được chấp thuận đến Hoa Kỳ, anh Nhân nói:

“Cũng có sự lo lắng nhưng về quê cha mình thì không sao. Mình lạc cha mấy chục năm rồi. Cuộc sống thì từ từ mình phấn đấu lên”.

Trao đổi với đài RFA, ông Jimmy Miller, người sáng lập Hội “Amerasians Without Borders”, cũng là một người “con lai” đã may mắn tìm được cha, tâm tình rằng những người “con lai” tại Hoa Kỳ cùng có một ước vọng và cùng đeo đuổi một niềm tin sẽ đoàn tụ với tất cả 400 anh chị em lai đang còn ở VN vào một ngày sớm nhất tại quê cha. Ông Jimmy Miller cho biết những người “con lai” tại Hoa Kỳ đang nỗ lực hỗ trợ chi phí xét nghiệm ADN cho 400 người “con lai” ở VN và cũng sẽ hết mình vận động chính phủ cứu xét cho các trường hợp này:

    Cũng có sự lo lắng nhưng về quê cha mình thì không sao. Mình lạc cha mấy chục năm rồi. Cuộc sống thì từ từ mình phấn đấu lên.
    - Anh Nhân, An Giang

“Mình nghĩ rằng trong thời gian tới, Nhân sẽ được đi. Đó là người tìm được cha. Còn những người không tìm được cha mặc dù chứng minh họ là lai nhưng vẫn phải chờ đợi xem Lãnh Sự Quán có đồng ý hay không. Mình hy vọng rằng trường hợp của bạn Nhân được đi và chính phủ Mỹ sẽ nhìn vào đó để giúp cho số còn lại được đi”.

Những người “con lai” ở Hòa Kỳ dù có tiếp tục hay từ bỏ ước mơ tìm cha ruột nơi quê cha thì họ vẫn đau đáu một nỗi niềm sẽ được đoàn tụ với 400 anh chị em “con lai” đang sinh sống ở VN, ông Miller bộc bạch:

“Không cùng cha, không cùng mẹ nhưng đã nói lai rồi thì không cần thiết phải là lai đen hay lai trắng hay có thành không hay không, có là gì đi nữa thì khi đã nói ‘lai với lai’ với nhau thì đã đủ rồi, đã coi nhau như là anh em rồi. Vì ở VN mọi người đã sống trong hoàn cảnh cùng khổ với nhau nên chỉ anh chị em lai mới hiểu nhau thôi. Thành ra tình cảm của họ dành cho nhau rất là đặc biệt”.

Ước mơ đoàn tụ trong một đại gia đình anh chị em của những người cùng một dòng máu “con lai” sẽ trở thành hiện thực bởi vì những đứa bé Việt lai Mỹ năm xưa, nay là những người trưởng thành, vẫn tin rằng câu chuyện cổ tích luôn có hậu với những ai có lòng.